Các bác sĩ cho biết thường tiếp nhận
bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên, đau mỏi vai gáy cảm lạnh, hoặc chóng mặt té
ngã, đôi khi nghiêm trọng hơn như bị đột quỵ, tử vong khi đang tắm.
Bác sĩ Lê Cao
Phương Duy, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
(TP.HCM), cho biết có những trường hợp đột ngột gồng người, tím
tái, ngưng tim, ngưng thở, tử vong ngay sau khi tắm đêm.
Khi xác định nguyên nhân, hầu hết là do tai biến mạch máu não
(đặc biệt là nhồi máu não) hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
Nhiều người đã tử vong trước khi đến bệnh viện hoặc tử vong tại
bệnh viện dù được điều trị tích cực.
Không có lợi cho cơ thể
Sau một ngày lao động vất vả, đến tận đêm nhiều người mới có
thời gian đi tắm, cũng có những người không bận bịu gì nhưng vẫn có thói quen
tắm đêm trước khi đi ngủ vì chỉ như vậy họ mới có cảm giác sạch sẽ.
Bác sĩ Phương Duy nhấn mạnh: dù đi tắm đêm vì lý do gì thì tắm
đêm vẫn dễ bị đột quỵ do người tắm bị tai biến mạch máu náo, bị nhồi máu cơ tim
cấp hoặc cơn đau thắt ngực.
Ngoài ra, tắm đêm còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng phổi,
đặc biệt ở những người đang trong thời kỳ dưỡng bệnh, suy giảm miễn dịch.
Nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, cơ thể sẽ
tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt.
Khi mạch máu não bị co lại đột ngột sẽ dễ gây ra đột quỵ do nhồi máu não hoặc
mạch vành (mạch máu cung cấp máu cho tim) co thắt đột ngột, có thể gây ra nhồi
máu cơ tim cấp.
Đặc biệt ở những người có bệnh lý đau thắt ngực do co thắt
mạch vành, khi tắm đêm rất dễ xảy ra cơn đau thắt ngực do mạch vành co thắt quá
mức.
Với những người cơ thể đang nóng nực, lỗ chân lông đang mở để
thoát nhiệt nếu tắm đột ngột nước sẽ ngấm vào lỗ chân lông gây ra tình trạng
cảm lạnh.
Những người đang suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người già
yếu tắm như vậy dễ bị viêm phổi, nhiễm siêu vi, cảm cúm...
Khi tắm đêm hoặc để đầu ướt đi ngủ, mạch máu não sẽ có xu hướng
giãn, gây nên hiện tượng nhức đầu. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy có thể
dẫn đến bệnh đau đầu mãn tính.
Bác sĩ Phương Duy cho rằng tắm đêm là yếu tố thuận lợi để khởi
phát bệnh trên những người đã có sẵn bệnh từ trước như: bệnh mạch vành, bệnh
mạch máu não... chứ không phải nguyên nhân gây bệnh.
Tắm đêm không có lợi cho cơ thể, thậm chí là cơ hội gây thêm
những bệnh nặng khác, do vậy không nên tắm đêm, không nên tắm trong khoảng thời
gian hai giờ trước khi ngủ.
Khi đang ở trong phòng lạnh không nên tắm nước nóng quá, hoặc
đang nóng nực lại tắm nước lạnh. Nước tắm khác với nhiệt độ cơ thể sẽ gây rối
loạn về vận mạch.
Ngay cả khi tắm vào ban ngày, bác sĩ cũng khuyên không nên có sự
thay đổi đột ngột về nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ nước tắm.
Điều trị bằng
y học cổ truyền
BS CKII Đỗ Tân Khoa, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ
truyền TP.HCM, cho biết Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM thường xuyên tiếp nhận
bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên, đau mỏi vai gáy (hội chứng cổ vai), cảm lạnh
hoặc chóng mặt té ngã, đôi khi nghiêm trọng hơn như bị đột quỵ (liệt nửa người
do tai biến mạch máu não) khi đang tắm.
Theo y học cổ truyền, khi cơ thể nhiễm phong hàn (còn gọi là tà
khí: gió lạnh đột ngột, nơi có gió lùa, nhiễm lạnh quá lâu...) gây tắc trở sự
vận hành của khí huyết kinh lạc mà gây bệnh.
Còn theo y học hiện đại, khi tắm gội khuya (thường do lạnh đột
ngột...) làm kích thích hệ thần kinh thực vật (cụ thể kích thích hệ giao cảm),
gây co thắt hầu hết các mạch máu của cơ quan trong cơ thể nuôi các cơ quan nội
tạng và ngoài da. Sự co thắt này thường là đột ngột, gây rối loạn trong cơ thể
- phần lớn cơ thể tự điều chỉnh nên không có rối loạn và không gây bệnh lý.
Tuy nhiên ở mức độ nhiễm lạnh nhiều và quá đột ngột hay do cơ
thể suy yếu, không có sự điều chỉnh kịp thời gây ra bệnh lý ở nhiều mức độ khác
nhau. Bệnh lý thường gặp là toàn thân ớn lạnh, đau đầu, đau mỏi vai gáy..., ở
mức nặng hơn gây sốt, chóng mặt, liệt nửa mặt do tổn thương dây thần kinh VII
ngoại biên.
Đặc biệt, ở người có bệnh lý cao huyết áp, đái tháo đường, khi
bị nhiễm lạnh đột ngột thường khi tắm có thể gây cơn cao huyết áp, gây đột quỵ
(tai biến mạch máu não).
Tùy mức độ khác nhau mà xử trí khác nhau, đa số trường hợp tiên
lượng thường nhẹ. Những trường hợp chóng mặt, liệt mặt... cần khám và điều trị
chuyên sâu giúp nhanh hồi phục.
Y học cổ truyền có rất nhiều phương pháp giúp điều trị hiệu quả
các rối loạn trên như dùng cháo cảm (gồm trứng và hành lá) ăn khi nóng trị
chứng cảm lạnh, đau vai gáy, đau mỏi cơ, uống nước trà gừng nóng có tác dụng
giải biểu, trừ cảm.
Hay các phương pháp dân gian như cạo gió giúp thông kinh mạch
tại vùng đau, xông lá hương nhu, tía tô, sả..., xoa bóp bấm huyệt, hào châm,
chườm bằng dược liệu lá lốt, ngải cứu, hương nhu... với muối hột rang nóng: hiệu
quả rất cao trong các trường hợp đau mỏi do cảm lạnh, cũng có thể dùng các túi
chườm dược liệu được làm sẵn.
Theo: http://tuoitre.vn - THÙY DƯƠNG
(thuyduong@tuoitre.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét